-
- Tổng tiền thanh toán:
BỎ TÚI 11 LOẠI RÊU THÔNG DỤNG TRONG TERRARIUMS
Đăng bởi LÊ QUỐC NGHĨA vào lúc 21/11/2022
Tiếp theo sau bài hướng dẫn phần 1 thì mình xin tiếp tục với phần 2. Trước khi bắt đầu học cách setup bình Terrariums thì mình xin giới thiệu đến các bạn các loài rêu phổ biến trước vì hầu như 90% người chơi terrariums hệ hở đều chơi rêu và hết 50% số người mới chơi dùng sai rêu cũng như không biết chăm rêu. À yên tâm là mình sẽ nói trên góc nhìn của người chơi chứ không nói trên góc độ khoa học.
CHĂM SÓC RÊU:
-
Giá thể: Một số loại rêu sẽ phù hợp trồng trên dớn (xem hướng dẫn 1 để biết thêm về dớn), một số sẽ phù hợp trồng trên nền đất. Đa số các loài rêu đều thích giá thể có độ acid cao, độ chua của đất cao 1 tí (PH: 5- 7 là đẹp)
-
Nhiệt độ: trong bình thì khó có thể mà đo được nên tốt nhất là người chơi nên kiểm soát nhiệt độ ngoài bình từ 23 đến 28 là tốt nhất. Đây là khoảng lí tưởng đối với hầu hết các loài rêu
-
Độ ẩm: thì từ 60% đến 90% khuyến cáo, nhưng thường thì bình terrariums kín luôn đạt ngưỡng 100% vậy nên yếu tố còn lại quyết định sống còn, đó là nhiệt độ. Cách nhận biết độ ẩm thế nào là đủ cho rêu: nhìn lên mặt kính nếu thấy có sương hay nước đọng có nghĩa là độ ẩm ok.
-
Đèn/ Ánh sáng: nên đánh đèn ánh sáng 6500k cho rêu từ 8 đến 12 tiếng 1 ngày để giúp rêu xanh hơn và phòng trừ vi khuẩn nấm mốc sinh sôi.
-
Tưới nước: Tốt nhất là không nên tưới rêu bằng nước máy vì nước máy có chất Clo - không tốt cho rêu
Có 2 cách để người chơi biết có nên tưới rêu hay chưa, thường thì nên kiểm tra 1 lúc bằng cả 2 cách:
1/ Check độ ẩm ướt của rêu: dùng tay rờ lên bề mặt rêu của 1 số điểm xung quanh bình terrariums, nếu thấy bề mặt khô cứng thì phải xịt sương nhiều 1 tí đến khi đẫm nước chỗ rêu đó thì ngưng. Ngược lại thì không cần tưới nhé
2/ Nếu thấy trên bình còn đọng sương và có hơi nước thì cũng không cần tưới luôn. Ngược lại, không thấy có chút sương hay ẩm nào trên kính thì tưới ngay, tưới gấp, tưới liền nhaaaa
CÁC LOẠI RÊU
1/ CUSHION MOSS (RÊU CUSHION)
Tên khoa học: Leucobryum Javense (Javen) hoặc Leucobryum Glaucum (Glau)
Ở Việt Nam thì một hộp rêu cushion sẽ thường là giống Javen là chủ yếu, lâu lâu hên hên thì mua được giống Glau. Đối với mình thì mình vẫn thích giống Glau hơn vì hình thái của nó khá tròn, bề mặt thì mịn với lá rêu ngắn không quá dài như Javen nên cũng dễ vệ sinh hơn. Còn Javen thì ngược lại, do chúng thường tạo thành các quần thể kết hợp từ nhiều chi rêu nên khi setup dễ bị tách mảng và nát, gây lổm chổm. Phải có kinh nghiệm lắm thì mới có thể bó nó thành cụm và setup đẹp được.
Độ hiếm: Không hiếm (không hiếm/ khá hiếm/ rất hiếm)
Dễ chơi/ dễ chiều: 9/10 đ
Kiểm tra mức độ chịu hạn: 7/10 đ
Điều kiện Ánh sáng: Trung bình đến cao.
Nhiệt độ phát triển tối ưu: 20-28° C
Độ ẩm để phát triển: 50-90%
Style sử dụng: Phù hợp với tất cả style setup terrarium
Tips: Nên vệ sinh rêu trước khi setup vào bình để rêu đạt được độ thẩm mỹ cao nhất, có thể lấy rêu ra khỏi hộp theo mảng, lập úp mặt rêu xanh cho vào khay nước, rồi dùng tay vỗ nhẹ, vỗ nhẹ vào mặt rêu để các lá khô, rác, dị vật rơi ra. Kĩ nữa thì trộn thêm vào nước dung dịch sát khuẩn rêu bên LE JARDIN để vệ sinh.
2/ OCTO MOSS - (RÊU CỎ)
Tên khoa học: Octoblephanum Albidum (có rất ít trang khoa học viết về loài này)
Một trong những loài rêu theo mình là đẹp nhất và ảo ma canada nhất, lúc mua về là một hình thái nhưng khi chăm tốt, bể đủ ẩm thì nó sẽ ra một hình thái khác
Độ hiếm: rất hiếm (không hiếm/ khá hiếm/ rất hiếm)
Dễ chơi/ dễ chiều: 9/10 đ
Kiểm tra mức độ chịu hạn: 10/10 đ
Điều kiện Ánh sáng: Trung bình đến cao.
Nhiệt độ phát triển tối ưu: 20-26° C
Độ ẩm để phát triển: 50-90%
Style sử dụng: Phù hợp với tất cả style setup terrarium
Một con rêu cực kì trâu bò, phù hợp chơi hệ hở, bán cạn lẫn chơi hệ kín. Nhưng bù lại thì nó quá hiếm đi, số người hiện khai thác được rêu này khá ít tại Việt Nam. Rất đáng để sưu tầm nha
3/ GIGA MOSS - RÊU CỎ MÂY
Tên khoa học: leucobryum giganteum
Em này nhìn hao hao 1 cọng rêu cushion nhưng size to hơn và phần lá rêu dài hơn. Cũng không quá khó chơi, có một điều lưu ý là đầu rêu sẽ xuất hiện đốm vàng li ti nếu bạn để nó bị tuột ẩm
Độ hiếm: không hiếm (không hiếm/ khá hiếm/ rất hiếm)
Dễ chơi/ dễ chiều: 8/10 đ
Kiểm tra mức độ chịu hạn: 7/10 đ
Điều kiện Ánh sáng: Trung bình đến cao.
Nhiệt độ phát triển tối ưu: 20-26° C
Độ ẩm để phát triển: 50-90%
Style sử dụng: Đa số xưa giờ mình thấy loại này chỉ phù hợp để điểm thêm, làm điểm nhấn trên một bề mặt mảng xanh chứ ít thấy ai trải nền hay phủ xanh bằng cỏ mây
4/ WEPPING MOSS - RÊU WEPPING
Tên khoa học: Vesicularia Ferriei
(Tên khoa học và tên gọi chả giống gì nhau tại ở Việt Nam thường gọi vậy nha mọi người, hổng có lý do gì luôn)
Độ hiếm: không hiếm (không hiếm/ khá hiếm/ rất hiếm)
Dễ chơi/ dễ chiều: 7/10 đ
Kiểm tra mức độ chịu hạn: 6/10 đ (nên có phần dẫn ẩm tốt)
Điều kiện Ánh sáng: Trung bình đến cao.
Nhiệt độ phát triển tối ưu: 20-26° C
Độ ẩm để phát triển: 50-90%
Style sử dụng: làm tường rêu, đính lên các phần của thanh lũa hoặc bọc lên đá để ươm rêu non
Mẹo: Nên dán dớn hoặc vải giữ ẩm lên tường/ lên lũa trước khi dán rêu lên để rêu được giữ ẩm tối ưu nhất
5/ THUIDIUM MOSS - RÊU TRÁC BÁ
Tên khoa học: Thuidium delicatulum
(lại một cái tên độc chiêu nữa mà người Việt đặt cho em rêu này, cũng không biết từ bao giờ nó tên là Trác Bá và tại sao luôn )
6/ SPINY MOSS - RÊU SPINY
Tên khoa học: pyrrhobryum spiniforme
(Hồi xưa lúc rêu này mới được biết tới người ta hay gọi là rêu đuôi chồn, sau này tui mới khai thác và nhập về nhiều xong lấy kí tự trong tên khoa học đặt tên cho nó là Spiny nên từ đó trở đi bà con hay gọi là rêu Spiny á)
Độ hiếm: Khá hiếm (không hiếm/ khá hiếm/ rất hiếm)
Dễ chơi/ dễ chiều: 4/10 đ (cũng khá là khó chơi nhé)
Kiểm tra mức độ chịu hạn: 4/10 đ (dễ bị quéo khi thiếu ẩm)
Điều kiện Ánh sáng: Trung bình đến cao.
Nhiệt độ phát triển tối ưu: 20-26° C
Độ ẩm để phát triển: 70-90%
Style sử dụng: Là rêu thường dùng cho cắm trung cảnh, vì độ cao vừa phải và hình thái nổi bật nên cũng được dùng để làm điểm nhấn nữa
7/ ROSE MOSS - RÊU HỒNG ĐÀI
Nếu gọi Rose moss là Queen Moss thì có thể gọi Spiny là King Moss vì đây là 2 loài rêu được cho là yêu thích nhất trong bảng xếp hạng của Le Jardin mặc dù cả hai đều hơi khó chăm
Tên khoa học: Rhodobryum Giganteum
Độ hiếm: rất hiếm (không hiếm/ khá hiếm/ rất hiếm)
Dễ chơi/ dễ chiều: 3/10 đ (rất khó chơi nhé)
Kiểm tra mức độ chịu hạn: 2/10 đ (dễ bị quéo khi thiếu ẩm)
Điều kiện Ánh sáng: Trung bình đến cao.
Nhiệt độ phát triển tối ưu: 20-26° C
Độ ẩm để phát triển: 70-90%
Style sử dụng: Là rêu thường dùng để tạo điểm nhấn do hình thái rêu khá nổi bật
8/ COMMUNE MOSS - RÊU HAIRCAP
Tên khoa học: Polytrichum Commune
Độ hiếm: khá hiếm (không hiếm/ khá hiếm/ rất hiếm)
Dễ chơi/ dễ chiều: 5/10 đ (độ khó chơi ở mức trung bình nhé)
Kiểm tra mức độ chịu hạn: 4/10 đ (dễ bị quéo khi thiếu ẩm)
Điều kiện Ánh sáng: Trung bình đến cao.
Nhiệt độ phát triển tối ưu: 20-26° C
Độ ẩm để phát triển: 70-90%
Style sử dụng: Là rêu thường dùng để tạo điểm nhấn do hình thái rêu khá nổi bật
9/ RACOPILUM MOSS - RÊU WEPPING VIỆT
Con này ở VN gọi tên khá lộn xộn, có người còn gọi wepping Sing nữa, mình gọi là wepping Việt nhé. Làm tường rêu bằng con này là siêu thích
Tên khoa học: Racopilum Cuspidigerum
Độ hiếm: không hiếm (không hiếm/ khá hiếm/ rất hiếm)
Dễ chơi/ dễ chiều: 6/10 đ (độ khó chơi ở mức trung bình nhé)
Kiểm tra mức độ chịu hạn: 6/10 đ
Điều kiện Ánh sáng: Trung bình đến cao.
Nhiệt độ phát triển tối ưu: 20-26° C
Độ ẩm để phát triển: 70-90%
Style sử dụng: phù hợp làm tường rêu vì thường là một mảng xanh liền mạch, hoặc cho rêu chạy theo các nhánh lũa để tạo độ tự nhiên.
10/ ACUTUM MOSS - RÊU CÁNH BƯỚM/ RÊU XẠ HƯƠNG
Tên khoa học: Plagiomnium Acutum
Độ hiếm: không hiếm (không hiếm/ khá hiếm/ rất hiếm)
Dễ chơi/ dễ chiều: 4/10 đ (cũng khá là khó chơi nhé)
Kiểm tra mức độ chịu hạn: 4/10 đ (dễ bị quéo khi thiếu ẩm)
Điều kiện Ánh sáng: Trung bình đến cao.
Nhiệt độ phát triển tối ưu: 20-26° C
Độ ẩm để phát triển: 70-90%
Style sử dụng: Là rêu thường dùng để tạo điểm nhấn do hình thái rêu khá nổi bật
11/ TREE MOSS
Tên khoa học: Pleuroziopsis Ruthenica
Độ hiếm: rất hiếm (không hiếm/ khá hiếm/ rất hiếm), xưa giờ mình chưa thấy ai ở Việt Nam tìm được chuẩn giống này, ở phía bắc có 1 loài rêu cũng khá giống nhưng so sánh kĩ hơn thì không phải. Có 1 số trại rêu ở Việt Nam hiện cũng đang ươm giống này khá nhiều
Dễ chơi/ dễ chiều: 2/10 đ (dễ vàng khi nhiệt độ cao, nên khá khó chơi)
Kiểm tra mức độ chịu hạn: 3/10 đ (dễ bị quéo khi thiếu ẩm)
Điều kiện Ánh sáng: Trung bình đến cao.
Nhiệt độ phát triển tối ưu: 20-26° C
Độ ẩm để phát triển: 70-90%
Style sử dụng: Là rêu thường dùng để tạo điểm nhấn do hình thái rêu khá nổi bật
Còn thiếu mốt số em cũng hay ho lắm, mình sẽ update vào những bài sau nha
Hôm nay viết tới đây thôi, mai mình xin update hình ảnh cho bà con dễ phân biệt